Quản lý Nhà nước về Đại lý và Giao nhận
1. Dịch vụ hàng hải theo WTO
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) kể từ ngày 08/11/2006. Qua nhiều vòng đàm phán giữa các nước trong WTO, dịch vụ vận tải biển được chia làm 4 nhóm:
- Nhóm 1: Vận tải biển quốc tế (International Maritime Transport).
- Nhóm 2: Dịch vụ hỗ trợ hàng hải (Martime Auxiliary Service).
Gồm các dịch vụ:
-
- Xếp dỡ hàng hóa.
- Lưu kho bãi và cho thuê kho bãi.
- Dịch vụ hải quan.
- Dịch vụ làm hàng container.
- Đại lý tàu.
- Dịch vụ giao nhận hàng hóa.
- Nhóm 3: Tiếp cận / sử dụng dịch vụ cảng (Access to/Use of Port Service) Gồm các dịch vụ:
- Hoa tiêu.
- Lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển.
- Cung cấp thực phẩm, dầu nước.
- Thu gom, đổ rác và xử lý nước thải.
- Dịch vụ cảng vụ.
- Bảo đảm hàng hải.
- Dịch vụ khác trên bờ (phục vụ cho tàu).
- Sửa chữa khẩn cấp trang thiết bị.
- Dịch vụ neo đậu và cập cầu cảng.
- Nhóm 4: Vận tải đa phương thức (Multi modem Transport)
2. Các cơ quan quản lý Nhà nước về Đại lý và Giao nhận.
a. Bộ giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng hải và hàng không trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về các lĩnh vực giao thông vận tải nói chung và Đại lý giao nhận cũng như dịch vụ hàng hải nói riêng. Cụ thể như sau:
Về hoạt động vận tải:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ chế, chính sách phát triển vận tải và các dịch vụ liên quan đến vận tải;
- Quy định công bố các tuyến vận tải và mạng vận tải công cộng; ban hành các thể lệ, quy định, tiêu chuẩn, quy trình công nghệ vận hành và khai thác các loại hình vận tải;
- Quy định việc phối hợp các quá trình vận tải đơn phương thức và đa phương thức bảo đảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa các vùng, miền và vận tải đối ngoại;
- Phối hợp với Bộ Tài chính quy định khung giá cước hoặc cước vận tải, xếp dỡ, các dịch vụ vận tải được hoạt động độc quyền và những dịch vụ mà Nhà nước trợ giá hoặc giao cho doanh nghiệp thực hiện
b. Cục hàng hải Việt Nam
Cục Hàng hải Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành hàng hải trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật. Cục Hàng hải Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.
Dưới Cục Hàng hải Việt Nam là các Cảng vụ hàng hải, các cơ quan Đăng ký tàu biển và thuyền viên, các Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, các Trường trung học hàng hải, các doanh nghiệp: Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam, Trung tâm tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải, Công ty tư vấn xây dựng công trình hàng hải và các công ty hoa tiêu, Tạp chí hàng hải Việt Nam.
Cục hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực hàng hải nói chung và dịch vụ vận tải biển, trong đó có Đại lý & giao nhận nói riêng. Cụ thể như sau:
Về vận tải và dịch vụ hàng hải:
- Xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải biển, điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng hải và tổ chức việc thực hiện các quy định đó;
- Kiểm tra việc tổ chức thực hiện cấp, đình chỉ, gia hạn, sửa đổi, thu hồi hoặc hủy bỏ các chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến dịch vụ hàng hải;
- Tham gia xây dựng khung giá cước hoặc cước, phí vận tải, xếp dỡ, các dịch vụ hàng hải được hoạt động độc quyền và những dịch vụ mà nhà nước trợ giá hoặc giao cho doanh nghiệp thực hiện;
- Tổ chức thống kê, nghiên cứu, dự báo thị trường vận tải và dịch vụ hàng hải, sự phát triển các luồng hàng, lưu lượng hành khách, các tuyến hàng hải trong nước và quốc tế.
=> Tham gia giải quyết tranh chấp và khiếu nại về hàng hải; xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải và các quan hệ pháp luật phát sinh từ hoạt động hàng hải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế về hàng hải có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
=> Xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế về hàng hải trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải các dự thảo Điều ước quốc tế và tham gia đàm phán để ký kết, gia nhập các Điều ước quốc tế, các tổ chức quốc tế về hàng hải; tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về hàng hải theo phân cấp quản lý; là đầu mối quan hệ với các Tổ chức Hàng hải quốc tế
c. Cảng vụ Hàng hải
Các Cảng vụ Hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam (gọi tắt là Cảng vụ) thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải theo quy định của quyết định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật tại cảng và khu vực hàng hải được phân công. Cảng vụ là đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, được thực hiện các khoản thu theo quy định của pháp luật và nộp ngân sách các khoản thu này. Kinh phí hoạt động của Cảng vụ do ngân sách nhà nước cấp. Người có quyền chỉ huy cao nhất của Cảng vụ là Giám đốc Cảng vụ. Giám đốc Cảng vụ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tại khu vực hàng hải nói chung và các hoạt động liên quan đến Đại lý & giao nhận nói riêng như:
- Cấp giấy phép cho tàu thuyền ra, vào và thực hiện yêu cầu tạm giữ, bắt giữ hàng hải đối với tàu biển hoặc lệnh bắt giữ tàu biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải hoạt động trong khu vực trách nhiệm của Cảng vụ báo cáo số liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về chuyên ngành hàng hải; thực hiện việc thống kê, báo cáo số liệu theo quy định của Cục Hàng hải Việt Nam.
- Xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, vệ sinh và trật tự hàng hải.
- Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.